Giai đoạn thứ nhất Các chiến dịch bắc phạt thời Đông Tấn

Tổ Địch đánh Lư châu, Thái Khâu

Ngay từ khi Đông Tấn chưa thành lập, ở phía bắc đã có nhiều lực lượng ủng hộ họ Tư Mã thu phục lại Trung Nguyên. Trong số các thế lực đó, nổi lên Tổ Địch, quan dưới quyền của Tư Mã Duệ lúc còn làm Lang Nha vương. Lúc miền bắc còn chưa mất, Tổ Địch đã từng cùng một số tướng lĩnh vẫn cố chiến đấu chống quân Hán Triệu, thu phục hai kinh. Ông ta chiêu tập nhiều binh sĩ, dung nạp những người nghèo khổ và trộm cướp.

Năm 314, Tổ Địch xin Tư Mã Duệ (đang ở Giang Nam) đưa quân bắc phạt, nhưng Tư Mã Duệ không có chí lớn, không muốn lấy lại miền bắc nên chỉ cấp cho Tổ Địch một ít quân lính và lương thực. Tuy nhiên Tổ Địch vẫn quyết chí bắc phạt, càng ra sức chiêu tập thêm binh mã. Mùa thu năm 314, Địch dẫn hơn 100 gia đình trong họ tộc từ Kinh Khẩu lên Giang Bắc, lại lập ra lời thề nếu không giành lại miền bắc, sẽ không trở về. Sau khi qua sông, ông đóng ở Giang Âm, mở lò luyện vũ khí và tiếp tục chiêu mộ thêm 2000 quân[9].

Sau cái chết của Mẫn Đế, nhiều đại thần và dân chúng gây sức ép buộc Nguyên Đế phải đồng ý cho quân bắc phạt. Tổ Địch biết tin, lập tức hưởng ứng việc này và lập tức tiến lên miền bắc. Năm 317, Tổ Địch tiến quân vào Hán Triệu, công thành Lư châu, giao chiến với các tướng Ngũ Hồ là Dự châu thứ sử Trương Bình và thái thú Tiếu quận Phàn Nhã. Trước tiên, ông sai tham quân Ân Nghĩa đến dụ hàng, nhưng do Ân Nghĩa dùng lời lẽ ngạo mạn nên bị Trương Bình giết chết. Bình từ đó càng ngoan cố chống trả không hàng. Quân Tấn đánh hơn 1 năm vẫn không phá được.

Không công phá nổi bằng võ lực, Tổ Địch chuyển sang dùng kế mua chuộc thủ hạ của Trương BìnhTạ Phù. Sau đó, ông sai người đi mua chuộc thủ hạ của Trương Bình là Tạ Phù. Phù bèn giết chết Bình rồi về hàng Tổ Địch[10]. Tấn Nguyên Đế nghe tin hài lòng, bèn sai đưa quân lương đến bổ sung cho quân lý, nhưng do đường xa không thể tới nơi.

Tổ Địch thừa thắng tiến quân lên Thái Khâu, giao chiến cùng Phàn Nhã. Nhã được thủ hạ cũ của Trương Bình trợ giúp, nhân đêm tối cho quân tập kích, tiến vào trong doanh. Đốc hộ Đổng Chiêu sợ giặc bỏ trốn. Tổ Địch phòng thủ vững chức, Phàn Nhã không đánh được phải lui về Kiều Thành. Tổ Địch thúc quân truy đuổi. Sau đó ông kêu gọi các tướng Trần XuyênHoàn Tuyên phối hợp đánh Phàn Nhã. Hoàn Tuyên nghe theo, dụ Phàn Nhã dâng Kiều Thành đầu hàng Tổ Địch.

Tuy nhiên Trần Xuyên không chịu tuân phục, lại phái tướng Ngụy Thạc cướp phá Dự Châu

Tuy nhiên, Trần Xuyên lại không theo Tổ Địch, điều quân cướp phá Dự châu, bức được nhiều ngựa và đàn bà con gái. Tổ Địch tức giận, sai tướng Vệ Sách giao chiến cùng Xuyên. Sách tập kích và đánh tan quân của Xuyên ở Cốc Thủy. Trần Xuyên bỏ chạy, về hàng Thạch Lặc[11].

Tổ Địch lấy thành Tuấn Nghị

Tổ Địch tiếp tục dẫn quân truy kích Trần Xuyên. Thạch Lặc bèn lấy 5000 quân cứu viện, giao cho em là Thạch Hổ chỉ huy. Tổ Địch giao chiến với Thạch Hổ ở thành Tuấn Nghị. Trận đầu, quân Tổ Địch đại thắng. Thạch Hổ thua trận, bỏ chạy về Dự châu[12], dời Trần Xuyên sang Tương Quốc, để Đào Báo ở lại, còn mình đưa quân về Dự châu, lại sai Hàn Tiềm giữ Đông Thai.

Tổ Địch tiến vào thành Tuấn Nghị, chiếm đài phía đông, còn Đào Báo giữ đài phía tây. Hai bên cầm cự nhau suốt hơn 40 ngày vẫn chưa phân thắng bại. Tổ Địch bèn nghĩ kế sai quân nhồi vải vào bao, giả làm gạo rồi cho quân sĩ chở vào Đông đài. Sau đó ông lại cho quân lấy vài bao gạo thật, chở đi giữa đường, giả cách mệt mỏi nghỉ lại, làm Đào Báo nổi lòng tham đến cướp. Khi quân Báo đến, quân Tấn bỏ chạy.

Qua kế hoạch của Tổ Địch làm Đào Báo nghĩ quân Tấn còn nhiều lương thực nên rất hoảng sợ, bèn cầu cứu Thạch Hổ. Hổ sai quân đến tiếp tế lương thức. Tổ Địch biết được, phái Hàn Tiềm và Phùng Thích chặn đánh ở Biện Thủy, cướp được vô số quân lương. Đào Báo càng sợ hơn, bỏ chạy khỏi thành Tuấn Nghị, lui về thành Đông Yên. Tổ Địch nhanh chóng chiếm xong thành, cử Hàn Tiềm giữ Phong Khâu, Phùng Thiết giữ Nhị Thai còn ông giữ Ung Khâu. Nhiều lần ông cho quân quấy nhiễu đánh phá các vùng do Hậu Triệu kiểm soát.

Đánh vào lòng người

Cùng trong năm 319, Thạch Lặc li khai Hán Triệu, chính thức lập ra nhà Hậu Triệu[13].

Tổ Địch đóng quân ở miền bắc, ngoài các chiến dịch quân sự còn dùng kế đánh vào lòng người nhằm thu phục nhân dân. Có lần bắt được thám tử người Bộc Dương, ông hay đối đãi tử tế rồi cho về. Vì vậy người đó cảm kích, vận động người trong vùng đến quy phục ông. Kết quả có hơn 500 nhà quy phục[14].

Thạch Lặc nhiều lần bị Tổ Địch đánh bại, giận lắm, đích thân mang hơn 1 vạn quân đến đánh Tổ Địch, cũng bị ông đánh bại, thua chạy về. Nhiều quân tướng Hậu Triệu bỏ theo hàng Tổ Địch.

Nhiều vùng giáp ranh có ý quy thuận Tổ Địch, nhưng vẫn thuộc quyền kiểm soát của Thạch Lặc, Tổ Địch ngầm ước với họ, mặt ngoài vẫn để họ phục tùng Hậu Triệu. Khi Thạch Lặc có cử động, các vùng đó đều báo trước cho ông biết. Do đó ông luôn giữ thế chủ động trên chiến trường. Sau nhiều lần liên tiếp thắng lợi, Tổ Địch đã giành được nhiều vùng đất rộng lớn ở phía nam sông Hoàng Hà. Ông chủ trương khuyến khích nông nghiệp và quan tâm đến nhân dân nên được nhiều người mến mộ. Triều đình biết công của ông, sai sứ đến phong làm Trấn Tây tướng quân[15].

Triều đình nghi kị, đại tướng chết già

Thạch Lặc biết rằng không thể chống lại Tổ Địch, bèn sai người đến Thành Cao sửa sang lại mộ mẹ ông[16], rồi sai đưa thư đến giao hiếu, xin cùng trao đổi sứ giả để thông hiếu và cho hai bên được trao đổi, buôn bán hàng hoá. Địch không đáp lại nhưng cũng ngầm chấp nhận cho thông thương.

Tổ Địch lập được nhiều công lao, chiếm cứ riêng cả một vùng đất rộng lớn, bắc giáp Hoàng Hà, tây tới Thành Cao làm triều đình rất lo ngại. Trong triều, Vương Đôn, Lưu Đôn gian thần câu kết, muốn triệt hạ quyền lực của Tổ Địch. Tấn Nguyên Đế cũng không khỏi nghi ngờ, bèn phái Đái Nhược Tư làm đô đốc các châu Duyện, Dự, Ung, Ký và làm Chinh bắc tướng quân để kiềm chế Tổ Địch.

Tổ Địch thấy rằng ở phía nam vùng mới chiếm không có thành lũy, sợ bị đánh úp, bèn sai Nhữ Nam thái thú Tế Suất, Nhữ Dương thái thú Trương Xưởng và Tân thái nội sử Tấn Hội xây thành. Việc chưa xong thì Tổ Địch đã lâm bệnh nặng. Đến tháng 9 năm 321, ông qua đời ở Ung Khâu[17], hưởng thọ 56 tuổi, được truy tặng là Xa kị tướng quân[18][19].

Sau cái chết của Tổ Địch, quyền trong quân về tay em là Tổ Ước. Ở miền nam, Vương Đôn nổi dậy, còn ở miền bắc, Thạch Lặc thừa cơ chiếm lại các vùng đất cũ. Tổ Ước không chống nổi, rút về miền nam. Chiến dịch bắc phạt chấm dứt từ đó.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Các chiến dịch bắc phạt thời Đông Tấn https://zh.wikipedia.org/wiki/s:%E5%8D%81%E5%85%AD... https://zh.wikipedia.org/wiki/s:%E5%8D%97%E5%8F%B2... https://zh.wikipedia.org/wiki/s:%E5%AE%8B%E6%9B%B8... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%99%89%E6%9B%B8/...